Marx và Đại hội Đảng

Hai mươi năm Đổi Mới đã làm thay đổi sâu sắc kinh tế và xã hội Việt Nam. Chúng ta phồn vinh hơn và các quan hệ xã hội trở nên đa dạng hơn. Phương thức sản xuất nông nghiệp được thay thế dần bởi phương thức sản xuất công nghiệp, đồng thời tiếp cận bước đầu nền kinh tế tri thức. Những thay đổi to lớn này làm nước Việt Nam hôm nay khác xa nước Việt Nam “đêm trước Đổi Mới” hay nước Việt Nam những ngày sôi sục trước Cách Mạng Tháng Tám, càng khác xa các xã hội phương Tây công nghiệp hóa mà Marx đã chứng kiến và phê phán. Hơn nữa, rất nhiều những thay đổi này có tính toàn cầu, trong sự phát triển chung của nhân loại. Với một cách nhìn so sánh, bài viết xin trình bày một vài thay đổi cơ bản trong quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội hiện đại mong đóng góp vào những tranh luận tâm huyết hiện nay về bóc lột và cho Đảng viên vào Đảng.

 

Hơn một trăm năm phát triển tư bản từ sau những phê phán của Marx, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và các trào lưu dân tộc, dân chủ khắp thế giới, phương thức sản xuất công nghiệp đã có những thay đổi to lớn. Một trong những thay đổi quan trọng mà khác với thời kỳ Marx là sự ra đời của hình thức tổ chức sản xuất của xã hội dạng Ford (Fordism – the social organization of production) hay còn gọi là tích lũy tập trung (concentrated accumulation), lấy theo tên nhà sáng lập của tập đoàn xe hơi Ford. Nhà công nghiệp Henry Ford, vào đầu thế kỷ 20, không những tiên phong áp dụng lý thuyết quản lí của Taylor: dây chuyền hóa, chuyên môn hóa sản xuất, để tạo ra sản phẩm hàng loạt với chất lượng đồng đều và giá rẻ; ông còn chỉ ra mối liên hệ sống còn giữa sản xuấttiêu dùng. Hiểu nôm na là sản xuất ra nhiều thì cần tiêu thụ nhiều, người trực tiếp sản xuất cũng là người tiêu dùng. Nên thực ra bóc lột thậm tệ người công nhân bằng cách trả lương thấp làm đứt mạch vòng tuần hoàn của thị trường. Dựa trên suy nghĩ này mà công ty của Ford đã trả công nhân một mức lương “cách mạng” lúc bấy giờ. Sau này, chính một nhà Mác-xít lừng danh người Ý, Antonio Gramsci, trong cuốn nhật ký viết từ nhà tù Phát-xít, đã nhận ra, gọi tên hình thức sản xuất mới này và tác động của nó đối với nền kinh tế và xã hội tư bản: Tăng sản lượng công nghiệp, đồng thời tăng mức sống của người lao động. ông cũng tuyên đoán mô hình mới sẽ tạo ra một sự ổn định xã hội nhất định. (tham khảo thêm về mô hình hậu-Ford hay tích lũy linh hoạt ở cuối bài)

 

Trước Ford, đặc trưng công nghiệp thời Marx là sản xuất dựa chủ yếu vào lao động số đông, tư liệu sản xuất và giao thông-liên lạc còn thô sơ, khoa học quản lí chưa phát triển. Marx phân tích rằng vì các nhà sản xuất đều sở hữu công nghệ như nhau nên trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận của nhà sản xuất được tạo ra nhờ vào việc bóc lột nhân công. Cụ thể là các ông chủ trả lương thấp hơn mức đóng góc thực tế của công nhân và hưởng lợi nhuận từ chênh lệch này. Nếu áp dụng máy móc những phân tích này vào nền sản xuất hiện đại thì làm sao ta có thể giải thích lợi nhuận mà không ít các doanh nghiệp quốc doanh thu được trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh sòng phẳng với tư nhân và ngoại quốc, liệu có thể cho rằng các công ty quốc doanh (mà giám đốc là đảng viên) này cũng bóc lột lao động. Hay làm sao để giải thích một nhà máy sản xuất ô tô tại Nhật Bản với vẻn vẹn 10 công nhân (lương vài chục ngàn dollar Mĩ/năm) và vài ngàn robot lại có thể tạo ra sản phẩm và lợi nhuận nhiều hơn một nhà máy tại Việt Nam với vài ngàn công nhân nhận mức lương vài trăm dollar Mĩ/năm. Từ mô hình tổ chức sản xuất kiểu Ford trình bày ở trên, mối liên hệ sống còn giữa sản xuất và tiêu dùng cho thấy lợi nhuận của nhà sản xuất và thu nhập của người lao động không nhất thiết cứ phải là nghịch biến (cái này tăng thì cái kia phải giảm) mà thậm chí có thể là đồng biến (cùng tăng hoặc cùng giảm). Người lao động khi nhận được mức lương hợp lý, môi trường làm việc chủ động và nhiều cơ hội thăng tiến cộng thêm các chế độ phúc lợi (bảo hiểm y tế, học bổng hay cho đi du lịch) sẽ được khuyến khích làm việc năng suất hơn, trau dồi kỹ năng lao động để đóng góp vào sự phát triển và lợi nhuận của doanh nghiệp.

 

Ngoài vấn đề lao động, mặt kia của câu chuyện cần bàn là lợi nhuận chảy vào túi ai? Ngày nay, dòng chảy của lợi nhuận tư bản đã trở nên phức tạp vô cùng. Trong nhiều trường hợp, sở hữu tư bản đã phần nào trở thành sở hữu toàn dân thông qua cổ phiếu công ty (theo một thống kê thì 70% dân số Nhật Bản mua bán cổ phiếu). Điều này dẫn tới hai điểm quan trọng: thứ nhất, khi mà người lao động có cổ phần tại nơi họ làm việc, thì rõ ràng họ tự bóc lột chính họ khi mà một tỉ lệ trong lợi nhuận được chi trả lại; thứ hai, thậm chí có thể coi doanh nhân, những người quản lí doanh nghiệp (mà chưa chắc đã sở hữu nó), là người đi làm thuê (và cũng có thể bị bóc lột) cho những người sở hữu cổ phần, trong đó có người lao động tại doanh nghiệp đó. Thêm nữa, như ở Việt Nam và nhiều quốc gia, chính phủ thu thuế các doanh nghiệp và số tiền này được dùng vào an sinh xã hội, trợ giúp và đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người lao động. Với một nhà nước mạnh và một dân tộc yêu chuộng công bằng, lẽ phải như ở Việt Nam, luật pháp, công đoàn và báo chí là những công cụ hữu ích để bảo vệ người lao động.

 

Marx với tư cách là một học giả, đã cố gắng hiểu và xây dựng một cấu trúc xã hội, và để làm điều đó, ông phải đơn giản hóa, mô hình hóa nhiều quan hệ sản xuất phức tạp. Nghĩa là khi mang những lý thuyết của ông trở lại cuộc sống, chúng ta không thể cứng nhắc áp dụng. Điều này cũng giống như khi làm các bài toán cơ học, ta thường bỏ qua lực ma sát, nhưng ai cũng hiểu là trong kỹ thuật ứng dụng, lực ma sát lại đóng vai trò rất quan trọng. Thêm nữa. chúng ta sẽ trở thành những học trò học vẹt của Marx nếu đem mâu thuẫn dựa trên quan hệ sản xuất vào phân tích mọi khía cạnh xã hội mà quên đi yếu tố dân tộc, văn hóa, lịch sử, đặc điểm địa-chính trị, v.v. Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng và đóng góp của Marx đối với khoa học xã hội. Một dòng tư duy học thuật Mác-xít đã trở nên phổ biến trong các trường đại học phương Tây từ những năm 20 của thế kỷ trước. Là một sinh viên ngành xã hội, tôi phải đọc về Marx và Engels ngay từ năm thứ nhât, phải biết về các nhánh học thuật thịnh hành ở Bắc Mĩ từ những năm 1960 như Địa Lý Xã hội Mác-xít, Đô Thị Học Mác-xít. Còn nhớ học kỳ trước trong một môn học về toàn cầu hóa, giáo sư đã hỏi cả lớp tôi xem ai là người Mác-xít để giúp cả lớp hiểu thêm những mâu thuẫn trong xã hội tư bản. Quả thật Marx đã đúng trong nhiều phân tích về chủ nghĩa tư bản và mặt trái của nó, về sự hình thành chủ nghĩa đế quốc, về toàn cầu hóa, v.v. Tháng 10 năm 1999, đài BBC công bố kết quả một cuộc bầu chọn tôn vinh Karl Marx là Nhà Tư Duy Vĩ Đại Nhất của Thiên Niên Kỷ, tiếp theo là Albert Einstein, Newton và Darwin.

 

Hơn 100 năm sau những phê phán của Marx, đặc điểm nổi bật nhất của các giai cấp trong xã hội chính là không một nhóm người nào tổ chức lại như một giai cấp. Phần đông dân chúng tự coi mình là tầng lớp trung lưu, không giàu quá mà cũng không nghèo quá. Một công nhân biết làm ăn trở thành ông chủ nhà máy hôm nay và có thể trở lại làm anh công nhân bình thường ngày mai nếu công việc kinh doanh thất bại. Nền giáo dục cho mọi người (cung cấp kiến thức và kỹ năng lao động) cùng với chính kinh tế thị trường (ai cũng có thể thành “ông chủ”, ngân hàng/nhà nước cho vay vốn) trở thành cơ chế xã hội quan trọng để người nghèo đổi đời và đảm bảo công bằng xã hội. Một xã hội dù công bằng đến mấy cũng vẫn có người giàu và người nghèo. Công bằng xã hội ngày nay, ngoài đáp ứng nhu cầu tối thiểu của con người, được hiểu rộng rãi như là khả năng thay đổi vị trí xã hội của một cá nhân nhờ vào tài năng và lao động thay vì nhờ lý lịch hay nhờ là con ông lãnh đạo này, cháu bà cán bộ kia. Ông Walt Disney bắt đầu từ một họa sĩ nghèo lang thang đến Hollywood, ông Honda bắt đầu từ một anh thợ máy với bàn tay chằng chịt những vết sẹo. Ngay ở nước mình cũng có rất nhiều người công nhân vươn lên trở thành ông chủ nhờ bàn tay và khối óc của họ như ông chủ nhà máy thủy điện tư nhân ở Quảng Nam, hay ông chủ hãng thiết bị truyền hình ở Khánh Hòa. Họ là tấm gương cho tất cả người lao động, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

 

Thành công và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản trong các cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, Thống Nhất đất nước năm 1975, và Đổi Mới năm 1986 là nhờ sức mạnh của đoàn kết dân tộc. Sự thực là Việt Nam trong suốt thế kỷ 20 là nước nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân chưa bao giờ có số lượng đáng kể. Tất cả các tầng lớp nhân dân gồm có nông dân, tiểu thương, tư sản và trí thức đều đã đóng góp sức người, sức của cho những biến chuyển lịch sử ấy. Bản chất quan trọng nhất của Đảng là đảng của quần chúng nhân dân. Theo tôi, bất cứ công dân Việt Nam nào, bất chấp khác biệt về nguồn gốc, tôn giáo, nghề nghiệp, miễn chia sẻ các giá trị dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh  thì đều xứng đáng gia nhập Đảng Cộng Sản. Xã hội dù công bằng đến mấy cũng vẫn tồn tại bất công, trong quan hệ sản xuất không tránh khỏi bóc lột cũng giống như trong một hệ thống chính quyền luôn tồn tại tham nhũng, vấn đề chỉ là mức độ mà thôi. Cùng với vai trò của pháp luật, báo chí và công đoàn, chính sự công nhận vai trò của doanh nhân và sự phát triển đa dạng cuả mọi thành phần kinh tế, gồm cả kinh tế tư bản tư nhân, giúp tạo ra một nhu cầu lớn hơn trong thị trường lao động, dẫn đến các công ty phải cạnh tranh để thu hút nhân công, sẽ giúp nâng cao lựa chọn và quyền lợi cho người lao động. Là một người Mác-xít, tôi tin rằng sự phát triển kinh tế (hạ tầng cơ sở) trong công bằng, bình đẳng sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp cho toàn xã hội và cả hệ thống chính trị (thượng tầng kiến trúc). Công cuộc Đổi Mới 20 năm qua đã chứng minh điều này.

 

Đảng đổi mới tư duy sẽ không chỉ là một quyết định thời cuộc, đó là sự đúc kết lịch sử.

 

Nguyễn Đỗ

—————————————-

Chú thích:

Cũng theo tư duy Mác-xít, mô hình tích lũy tập trung sẽ đến lúc khủng hoảng và thời điểm đó là những năm 60, cộng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 70 khiến nền sản xuất tư bản chuyển sang một mô hình mới: mô hình tích lũy linh hoạt (flexible accumulation) hay còn gọi là mô hình hậu-Ford hay tân-Ford (post-Fordism/neo-Fordism). Mô hình mới này là sự tiếp nối của mô hình Ford, dựa trên sự cải thiện trong công nghệ thông tin-liên lạc và giao thông toàn cầu, đưa sản xuất công nghiệp phân tán ra khắp thế giới, bất cứ nơi đâu có nhân công rẻ, gần nguồn tài nguyên và chính sách kinh tế phù hợp (chủ yếu là các nền công nghiệp mới ở châu Á). Tiến trình toàn cầu hóa, vốn đã được Marx dự báo, chỉ thực sự bùng nổ cùng với mô hình sản xuất mới này. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Việt Nam cũng chính là một mắt xích trong chuỗi tích lũy linh hoạt ấy.

 

Tham Khảo

Harvey, D. (1989). The Condition of Post-Modernity (Điều kiện của Hậu hiện đại). Oxford and Cambridge, MA: Blackwell